Lượt xem: 698

Sóc Trăng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Mặc dù được xác định là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, nhưng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực, sản xuất nông nghiệp tại Sóc Trăng hiện đang đứng trước những thách thức lớn về hàng rào kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu, nhất là những đòi hỏi gắt gao về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trước các thách thức đang đặt ra, tỉnh Sóc Trăng đã xác định những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực để định hướng phát triển sản xuất hữu cơ. Đến nay, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã và đang mang đến những tín hiệu tích cực, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của bà con nông dân.

 


Lễ ký kết hợp tác, đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giữa tỉnh Sóc Trăng và Tập đoàn Quế Lâm

 

    Năm 2021, được sự hỗ trợ từ nhóm Mekong Organics, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn thuộc Đại học An Giang, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vinh Lợi  ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị đã tổ chức xây dựng mô hình sản xuất thương mại lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU. Tham gia mô hình, 30 ha lúa được các thành viên đồng nhất sản xuất một loại giống là ST25, đồng thời thực hiện giải pháp quản lý sâu hại bằng việc sử dụng phân khoáng tự nhiên thay cho phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, kết hợp phun thuốc bằng dây bay theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Nhờ vậy, tình hình sâu hại trên đồng ruộng giảm đáng kể, lúa cứng cây, phát triển tốt, năng suất vụ Hè Thu vừa qua đạt gần 7 tấn/1 ha. Nhờ thực hành sản xuất sạch, hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ với các công ty, với mức giá cao hơn thị trường khoảng 400 đồng/kg. Mô hình sản xuất của Hợp tác xã dự kiến sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA/EU vào đầu năm 2023. Anh Nguyễn Văn Út – Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinh Lợi  phấn khởi cho biết: “Khi chuyển qua sản xuất lúa hữu cơ rất thuận tiện. Thứ nhất, không làm ảnh hưởng sức khỏe bà con canh tác lúa, thứ hai khi làm ra hạt gạo rất nhiều công ty đến hỏi mua, nên hiện tại chúng tôi không đủ hàng để bán. Về lâu dài nếu đạt được chứng nhận hữu cơ thì so với làm thông thường, lợi nhuận mà lúa hữu cơ mang lại ước tính từ 1.500 – 2.000 đồng/kg lúa”.

    Còn tại HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng thuộc xã Mỹ Phước, huyện Kế Sách, để hình thành vùng trồng chất lượng cho trái vú sữa tím Tứ quý, thành viên trong HTX đang áp dụng rất tốt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Nhà vườn nơi đây đã ưu tiên bón phân hữu cơ cho cây trồng, đồng thời tiến hành bao trái để tránh được các loại sâu hại tấn công. Nhờ tuân thủ tốt tiêu chuẩn thực hành sản xuất sạch mà trên 30 ha diện tích trồng vú sữa tím Tứ quý hiện  đã được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện để xuất khẩu. Anh Trần Anh Nhân – Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng xã Mỹ Phước, huyện Kế Sách chia sẻ thêm: “Khi sản xuất theo hướng hữu cơ thì vấn đề tiêu thụ thuận lợi hơn, các công ty sẵn sàng ký hợp đồng để đưa sản phẩm của mình đi xuất khẩu. Hiện tại, HTX chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với Công ty Vina T&T, với số lượng từ 500 kg đến 1 tấn trái mỗi tuần”.

    Nhằm thúc đẩy sản xuất hữu cơ, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chính thức phê duyệt Đề án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Với tổng kinh phí trên 67 tỷ 600 triệu đồng, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 400 ha; trong đó, diện tích sản xuất hữu cơ được chứng nhận hữu cơ khoảng 370 ha. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Theo nhiều chuyên gia, với việc xác định đối tượng sản xuất chủ lực cùng những giải pháp cụ thể được đề ra theo từng giai đoạn, Đề án sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh từ những lợi ích kép mang lại. Tiến sĩ Nguyễn Thành Công - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu nhận định: “Đề án này rất có ý nghĩa, bởi vì qua các chính sách quan tâm của tỉnh và các ban, ngành sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cùng các hợp tác xã. Sóc Trăng đã có chứng nhận đầu tiên về lúa hữu cơ tại vùng tôm – lúa rồi, nên việc xây dựng Đề án này sẽ góp phần nhân rộng ra trên cây lúa cũng như nhiều cây trồng đặc thù khác. Hy vọng rằng với sự xúc tác từ Đề án này, phong trào sản xuất hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn”.

    Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 4.932 ha diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và 7.933 ha diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây ăn trái. Tiến trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để từng bước nâng lên tiêu chuẩn hữu cơ đang lan tỏa mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng nhìn chung, vấn đề liên kết ngành hàng vẫn còn khá yếu. Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường mời gọi các công ty, doanh nghiệp xây dựng những mô hình sản xuất điểm để  nhân rộng, nhằm giúp sản phẩm hữu cơ của tỉnh không bị “đánh đồng” về giá bán hay sự lo ngại về đầu ra như phương thức sản xuất truyền thống, khi đã tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn hữu cơ được hướng dẫn. Đồng chí Vương Quốc Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Về phía tỉnh, chúng tôi rất hoan nghênh sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp đến với Sóc Trăng để thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ. Về chính sách của tỉnh sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong điều kiện cho phép. Trước nhất là sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề khuyến nông, khuyến ngư từ các nguồn kinh phí sự nghiệp theo quy định để xây dựng các mô hình cho nông dân”.


Quản lý dịch hại trên cây lúa bằng phân khoáng tự nhiên kết hợp dây bay theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế

 

    Sóc Trăng có hơn 75% dân số sống khu vực nông thôn, với hơn 220.000 hộ sản xuất nông nghiệp, do đó, thúc đẩy sản xuất hữu cơ được xem là giải pháp tối ưu để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không lạc hậu trong cuộc cạnh tranh “tiêu chuẩn hóa nông sản” trên thị trường thế giới hiện nay thông qua các quy định mới, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Điều này cũng phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 118
  • Trong tuần: 70,545
  • Tất cả: 11,802,552